-
- Tổng tiền thanh toán:
Lính cứu hỏa cũng cần có cơ chế đặc thù
Lính cứu hỏa cũng cần có cơ chế đặc thù
Chiều 5.4, tại bãi giữ xe đối diện Bệnh viện quận 8, Đường Cao Lỗ , TPHCM đã xảy ra vụ cháy lớn từ hàng trăm xe máy gửi trong bãi gửi xe công cộng. Đây có lẽ là vụ hoả hoạn lớn nhất nước ta kiểu này trong nhiều năm qua?
Vì đây là dạng cháy phương tiện xe máy và đương nhiên sẽ có cả xăng nên còn dễ gây nổ. Bởi vậy, sự ứng cứu cũng không hề đơn giản. Mặc dù sau khi nhận được tin báo, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM đã điều động 14 xe, 80 cán bộ chiến sĩ (CBCS) của Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 và quận 8 cùng đến hiện trường để dập lửa.
Tuy cũng đã xử lý sớm, song sơ bộ cũng đã có tới 300 chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn và khoảng trên trăm chiếc nữa bị cháy một phần. Nhờ sự dũng cảm của CBCS cứu hoả cùng nhân dân quanh đó, hàng trăm chiếc xe còn lại đã được sơ tán kịp thời. Nguyên nhân của vụ cháy chỉ đơn giản là do người dân vô ý đốt rác ngay cạnh khu trông giữ xe máy nên đã tạo ra hiểm hoạ trên.
Việc cứu chữa cũng có phần hạn chế vì đây là vụ cháy xăng , khí độc rất lớn, nếu không được trang bị áo chống cháy cùng bình ô xy tốt, e rằng vô cùng khó khăn và rất dễ ảnh hưởng tới sinh mạng của người thi hành công vụ khi cứu chữa.
Trở lại vụ hoả hoạn tại cây xăng Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hồi tháng 6 năm ngoái, nó như một "trái bom " cảnh báo về mối nguy cơ cháy trạm xăng ở bất cứ nơi nào trên toàn quốc bởi sự lúng túng trong xử lý, từ khâu kỹ thuật, phương tiện và phương pháp cứu chữa.
Cũng qua hai vụ việc cháy xăng đó, nó còn bộc lộ một lỗ hổng lớn về khả năng trang bị phương tiện hạn chế hiện nay nhằm bảo vệ an toàn cho CBCS PCCC khi họ làm nhiệm vụ ở trên đất nước ta.
Đúng như thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội hồi đó nhận xét và cùng với "mục sở thị " của người dân khi họ chứng kiến đều hết sức cảm kích trước hành động dũng cảm của những chiến sĩ PCCC cho dù tuổi đời còn rất trẻ. Điều đáng nói ở đây là họ không được trang bị các loại áo quần chống cháy tiêu chuẩn quốc tế (nghe nói phải 300 triệu đồng thì mới sắm được một bộ mà hiện nay, cả Hà Nội mới chỉ có mỗi 50 bộ, trong khi lực lượng của họ lên tới 1.700 người).
Nghe thật xót xa khi mà các chiến sĩ chưa có đầy đủ điều tối thiểu nọ nhưng họ vẫn rất dũng cảm!
Sẽ chưa công bằng khi mà chúng ta biết rằng, cũng trong lực lượng giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mà cụ thể là lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước đang cho phép giữ lại tới 70% tiền nộp phạt để chi trả trong nội bộ, trong đó có cả việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông v.v... Trong khi đó, dân tình nào mấy ai hiểu hết nguồn thu đó làm những công viêc gì.
Đã tới lúc chúng ta cần minh bạch hơn trong việc thu - chi, dù cho đó là từ nguồn thu nào. Cần chi, dù phải chi một khoản lớn để mua sắm quần áo PCCC, nhưng nếu nó đảm bảo an toàn cho người CBCS thì cũng phải làm.
Và, ngay cả phụ cấp đặc biệt cho lực lượng này cũng rất xứng đáng phải có. Song cũng không thể chi từ một nguồn nào đó kiểu như… phạt đối tượng nào đã gây cháy rồi lấy nó chi như lực lượng CSGT hiện đang làm.
Nói như vậy để thấy một điều : cần thiết phải minh bạch và công khai trong chi tiêu là rất quan trọng. Chỉ có qui về một mối như vậy, chúng ta mới tránh được sự thiếu công bằng trong xã hội. Nếu cần phải chi dưỡng liêm cho CSGT thì cũng phải chi nhưng phải minh bạch và không nên xử lý theo kiểu trích lại. Nếu cần phải chi phụ cấp thi hành công vụ mà nó cận kề với sự hy sinh xương máu kiểu như lực lượng cảnh sát PCCC cũng như sự cần thiết phải mua sắm trang thiết bị hiện đại, ta cũng không nên tiếc, bởi tính mạng con người mới là vốn quý.